Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong hang đá ở Việt Bắc (1951).
(Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập
và rèn luyện Đảng ta, luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng
Đảng, để Đảng ta thật sự là một Đảng cách mạng chân chính, là đạo đức, là văn
minh. Trong những năm qua, thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta đã triển khai
quyết liệt, toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư
tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Theo đó, Đảng ta đã triển khai Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận số 21-KL của Hội nghị Trung ương 4
khóa XIII về đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Đây là việc làm vừa cơ bản, cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài, kết hợp chặt
chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm nhiệm vụ cơ bản,
chiến lược, lâu dài, lấy “chống” làm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột
phá trên nguyên tắc giữ vững sự ổn định chính trị để phát triển đất nước; vừa
đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa tổ chức thực hiện thắng lợi
Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp
tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế kiểm soát việc
thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, bảo đảm quyền hạn đến đâu trách
nhiệm đến đó; có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm; ngăn chặn,
đấu tranh, xử lý triệt để, đúng pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lợi
ích nhóm, tư tưởng cục bộ, bè phái, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy dự
án, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng… Vừa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
và thi hành kỷ luật của Đảng, vừa phát huy cao độ vai trò giám sát, phản biện
của các tổ chức chính trị-xã hội, của nhân dân ngay từ khi xây dựng và trong
quá trình thực thi chính sách, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa khi mới có dấu
hiệu vi phạm. Trước mắt, cần tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm những vụ tham
nhũng phức tạp, các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực, nhất là các vi
phạm trong công tác cán bộ đang gây bức xúc trong xã hội, bất bình trong nhân
dân; đặc biệt, cần công khai các vụ việc phức tạp đã xử lý.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Ảnh TTXVN
Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời,
mẫu mực về đạo đức cách mạng. Do vậy, học tập Người, toàn Đảng phải thường
xuyên đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực tiễn xây dựng
chính đảng Mác-xít đã chứng minh, đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước nếu không
thực hiện tốt đạo đức cách mạng, không làm tốt nhiệm vụ chống tha hóa, hủ bại,
suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống thì càng ngày sẽ càng trở
nên khó khăn, có nhiều thách thức hơn. Muốn kiên định, kiên quyết xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh thì mọi cán bộ, đảng viên càng cần phải nêu gương, đi đầu
trong việc chống tha hóa, biến chất, thực hiện liêm, chính trong Đảng. Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nếu Đảng ta không thực sự vững vàng về
chính trị tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch
về đạo đức lối sống; không chặt chẽ về tổ chức bộ máy; không được nhân dân đồng
tình ủng hộ thì Đảng ta không thể đứng vững và đủ sức đưa đất nước đi lên”. Do
vậy, cùng với việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã ban hành
nhiều văn bản về trách nhiệm nêu gương, như: Quy định số 101-QĐ/TW của Bộ Chính
trị khóa XI, Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, đặc biệt tại Hội
nghị Trung ương 8 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số
08-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên
Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Việc
thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên là tỏ rõ sự biết ơn Bác, tự hào và
nguyện làm theo Bác. Nêu gương về lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, suốt
đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Nêu gương về đạo đức, lối sống trong sáng, về bản lĩnh, trách nhiệm, niềm tin.
Nêu gương phải thực chất, tránh hình thức. Trên tinh thần đó, phải tiếp tục
thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh việc học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” có hiệu quả.
Thấm nhuần những lời dạy của
Bác, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng nền kinh
tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thống nhất và
nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh
thần của nhân dân. Mục tiêu của Đảng ta là xây dựng nước ta sớm trở thành nước
công nghiệp theo hướng hiện đại là một dấu mốc trong quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước, mở ra những điều kiện mới, thuận lợi hơn cho việc tiếp tục
xây dựng, phát triển đất nước lên tầm cao mới, cải thiện đời sống nhân dân,
tăng cường thế và lực của đất nước trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp
lần thứ tư đang tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Để đạt được mục
tiêu ấy, cần phải nhận thức đầy đủ và vận dụng đúng các quy luật phát triển,
huy động được các nguồn lực của đất nước mà trước hết, quan trọng nhất là nguồn
lực con người, phải có một lộ trình kế hoạch để thực hiện từng bước có hiệu quả
cao nhất.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm
của Bác “Dân là gốc”, Đảng ta xác định nhân dân là trung tâm, là chủ thể, là
mục tiêu, đối tượng của công cuộc đổi mới, đồng thời là động lực quyết định của
công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà nước của chúng ta là nhà nước của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân và nhân dân là người làm chủ. Do vậy, mọi thành
quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước đều vì hạnh phúc của nhân dân,
vì mục tiêu không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Mọi nhiệm vụ cách mạng đều do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó
là yêu cầu xuất phát từ bản chất tốt đẹp và ưu việt của chế độ ta.
Toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Thực hiện thắng lợi phương châm: “Phát triển
kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng
nền văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Đồng thời, Đảng ta cũng xác định
công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng nhất. Gắn công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với kinh tế tri thức, kinh tế số, chuyển đổi
số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thực hiện tư tưởng của Bác phải tiếp
tục tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện cán bộ, đáp ứng những yêu cầu mới
của sự nghiệp cách mạng nhằm bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau đạt hiệu
quả; đảm bảo xây dựng đội ngũ kế cận vừa “hồng” vừa “chuyên”,
hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, cần phải chú trọng
nguồn lực con người - coi con người là yếu tố cơ bản cho sự nghiệp phát triển
nhanh và bền vững; tập trung đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo,
gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học,
công nghệ trên cơ sở gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới, nâng
cao chất lượng và hiệu quả nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền
vững. Đồng thời, thấm nhuần lời dạy của Người, các cấp ủy, chính quyền, ban,
ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tập trung quán triệt sâu sắc
chủ trương của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ, về đổi mới nội
dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý
tưởng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và
nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho cán bộ, dảng viên, nhất là
thế hệ trẻ… Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương
Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”. Đảm
bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - Đoàn Thanh niên - xã hội
trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ toàn diện về mọi mặt; trong đó chú trọng
nguyên tắc đào tạo gắn với bồi dưỡng, tin tưởng giao việc, tạo điều kiện để
tuổi trẻ được trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành; xây dựng người cán bộ trẻ,
đảm bảo quy hoạch cho trước mắt và lâu dài như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:
“Phải khéo léo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ”, “không nên coi thường cán bộ
trẻ”…
Chủ tịch Hồ Chí
Minh. Ảnh: TTXVN
Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Người,
Đảng ta không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập, nâng cao vị thế của
Việt Nam trên trường quốc tế. Tư tưởng chỉ đạo của Bác về “vấn đề đoàn kết quốc
tế” mở ra khả năng rộng lớn để vận dụng, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối
ngoại mà các Đại hội Đảng và Đại hội XIII của Đảng đề ra. Vì vậy, bước vào thời
kỳ mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định phương châm và định hướng lớn của hoạt động
đối ngoại là “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa
bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối
ngoại… Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách
nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(1). Thực hiện Lời dạy của Bác, Đảng
và Nhà nước ta luôn chú trọng đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối
tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối
với sự phát triển và an ninh của đất nước, đưa quan hệ đã được xác lập vào thực
chất hiệu quả của sự hợp tác cùng có lợi. Chủ động tham gia và phát huy vai trò
tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, ASEAN và APEC. Chủ động,
tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh như tham gia Hội
nghị cấp cao An ninh châu Á - còn gọi là Đối thoại Shangri-la tại Singapore
hằng năm… Triển khai đồng bộ hoạt động đối ngoại, cả về chính trị, an ninh,
quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội. Không ngừng nâng cao chất lượng tham mưu
về đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại để
quảng bá những thành tựu, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra bên ngoài và
tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng và
bảo vệ đất nước trong tình hình mới./.