Luật gốc của nền hành chính Nhà nước có
hiệu lực thi hành
Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức
Chính quyền địa phương năm 2025 đều có hiệu lực từ ngày 1/3.
Trong đó, Luật Tổ chức Chính phủ được
coi là luật gốc của nền hành chính Nhà nước, làm cơ sở cho việc tổ chức, hoạt động
của Chính phủ, trong đó quy định những nguyên tắc chung về phân định thẩm quyền,
phân quyền, phân cấp, ủy quyền, làm căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng, sửa
đổi, bổ sung và hoàn thiện các luật chuyên ngành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất
trong hệ thống pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho
rằng việc phân định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ
tạo điều kiện để tăng cường trách nhiệm của bộ trưởng trong quy chế làm việc của
Chính phủ, không đẩy trách nhiệm quyết định các vấn đề cụ thể thuộc ngành, lĩnh
vực lên Thủ tướng quyết định như hiện nay.
Trong khi đó, Luật Tổ chức chính
quyền địa phương được thiết kế xây dựng trên cơ sở 3 nguyên tắc cơ bản.
Một là, luật quy định các nguyên tắc về
phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền của chính quyền địa
phương.
Hai là, luật tạo hành lang pháp lý để xử
lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ "điểm nghẽn về thể chế, chính
sách" nhằm thực hiện được ngay các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh
phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa
phương.
Ba là, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật,
theo đó luật chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm tính ổn
định lâu dài, dự liệu các vấn đề có thể thay đổi, biến động theo từng thời kỳ
phát triển của đất nước để giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định.
Cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ
Theo Nghị quyết 176/2025 của Quốc hội,
cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV gồm 14 Bộ và 3 cơ quan
ngang Bộ.
Cụ thể, 14 Bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ
Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ
Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ
Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
3 cơ quan ngang Bộ gồm: Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.
Các nghị định của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành sau sắp xếp, tinh
gọn bộ máy đã được ban hành để có hiệu lực kể từ ngày 1/3.
Trong đó, Văn phòng Chính phủ có 18 đơn
vị (giảm 2 đơn vị so với trước đây). Bộ Nội vụ có 18 đơn vị hành
chính và 4 đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội (giảm 13 đầu mối).
Bộ Ngoại giao gồm 25 đơn vị (giảm 3 đơn
vị), Bộ Tư pháp gồm 20 đơn vị (giảm
5 đơn vị); Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm từ 23 xuống còn 18 đơn vị.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 20 đơn vị
trực thuộc (giảm 6 đơn vị); Bộ Công Thương còn 22 đầu mối (giảm 6 đơn vị); Bộ
Xây dựng (sau khi hợp nhất với Bộ GTVT) sẽ giảm từ 42 đơn vị của 2 Bộ xuống còn
23 đơn vị.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo gồm 13 đơn vị,
trong đó có 9 đơn vị giúp việc, 3 đơn vị sự nghiệp công lập...
Người dân được đổi giấy phép lái xe trực
tiếp tại công an xã, phường
Từ đầu tháng 3, người dân được đổi giấy
phép lái xe theo 2 cách trực tiếp và trực tuyến.
Hồ sơ người dân cần chuẩn bị gồm: Đơn đề
nghị đổi hoặc cấp lại giấy phép lái xe; Giấy khám sức khỏe trừ người có giấy
phép lái xe hạng A1, A, B1; giấy phép lái xe; bản sao hoặc bản sao điện tử được
chứng thực của Căn cước công dân, hộ chiếu còn hạn sử dụng nếu là người nước
ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết thời hạn
giải quyết là 5 ngày làm việc kể từ ngày được tiếp nhận hồ sơ. Thông tin giấy
phép lái xe sẽ được cập nhật trên VNeID và trang tra cứu thông tin của Cục
CSGT.
Nếu thực hiện đổi, cấp giấy phép lái xe
online, người dân có thể thực hiện ở cổng dịch vụ công quốc gia, mất phí
115.000 đồng/lần cấp.
Khi đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực
tiếp thì người dân đến trụ sở công an xã, phường thị trấn nơi được bố trí điểm
tiếp nhận hồ sơ hoặc Phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố.
Mỗi lần đổi, cấp lại giấy phép lái xe
người dân sẽ phải nộp 135 nghìn đồng tiền phí (thực hiện theo Thông tư 37/2023
của Bộ Tài chính).
Xóa bỏ công an cấp huyện
Từ 1/3, công an địa phương sẽ được sắp xếp
lại còn 2 cấp, gồm công an tỉnh và công an xã, không tổ chức công an cấp huyện.
Theo Bộ Công an, 694 cơ quan công an cấp
huyện trên cả nước kết thúc hoạt động từ hôm nay.
Ngoài ra, từ ngày 1/3 Bộ Công an chính
thức tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, gồm: Quản lý nhà nước
về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện (từ Bộ Lao động- Thương binh và Xã
hội); quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp (từ
Bộ Tư pháp); quản lý nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe (từ
Bộ GTVT); quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng (từ Bộ Thông tin và Truyền
thông); quản lý nhà nước bảo đảm an ninh hàng không (từ Bộ GTVT); tiếp nhận Tổng
công ty viễn thông Mobifone
Địa điểm cấp căn cước cho người dân ở
đâu?
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), cho biết do
không tổ chức công an cấp huyện nên từ ngày 1/3, toàn bộ chức năng cấp căn cước
đưa về công an cấp xã, trên nguyên tắc các địa phương sẽ lựa chọn địa điểm phù
hợp, thuận tiện cho người dân, đảm bảo không có sự gián đoạn.
Sau đó, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính
về trật tự xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình cấp căn cước với công an cấp
xã. Bộ Công an sẽ đầu tư các thiết bị, máy móc, đào tạo cán bộ đáp ứng việc cấp
căn cước tại công an các xã để tiến hành triển khai theo lộ trình.
Ô tô điện không còn được miễn 100% lệ
phí trước bạ
Điểm c khoản 5 Điều 8 Nghị định số
10/2022 của Chính phủ quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy
pin nêu rõ: Trong vòng 3 năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành (từ
1/3/2022) nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%. Trong vòng 2 năm tiếp
theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy
xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Như vậy, bắt đầu từ ngày 1/3, ô tô điện
chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước
bạ 0% như trước, mà phải đóng mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng,
dầu có cùng số chỗ ngồi.
Tăng phụ cấp dân quân tự vệ, chỉ huy
quân sự xã
Nghị định số 16/2025 sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định 72/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự
vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ,
có hiệu lực từ 23/3.
Quy định mới nêu rõ, chỉ huy trưởng,
chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; chỉ huy trưởng, chính trị viên, Ban
Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức được hưởng phụ cấp là 561.600 đồng (quy định
cũ là 357.600 đồng).
Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó
Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy
quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn
trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân
quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động
được hưởng phụ cấp 514.800 đồng (quy định cũ là 327.800 đồng).